Các hoạt động đối nội Chúa_Nguyễn

Việc quan chế

Vào thời chúa Tiên Nguyễn Hoàng khi mà họ Nguyễn vẫn chưa ra mặt chống đối với họ Trịnh thì quan lại vẫn do chính quyền Trung ương ngoài Bắc bổ nhiệm. Tới đời chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên, với việc tuyển dụng nhiều nhân tài (đơn cử như Đào Duy Từ), chấm dứt việc nộp thuế cho nhà Lê-Trịnh và đem quân chống giữ họ Trịnh ở Bắc Bố Chính, các chúa Nguyễn đã thực sự bắt đầu xây dựng một chính quyền riêng ở Đàng Trong, việc bổ nhiệm quan lại từ đó đều do các chúa tự đặt.

Ở Chính dinh (Thủ phủ của chúa Nguyễn) đặt ra tam ty để giúp chúa chăm lo việc chính sự, tam ty đó là:

  • Xá ti: trông coi việc từ tụng, văn án. Đứng đầu là quan Đô tri và Ký lục.
  • Tướng thần lại ti: trông coi việc thu thuế, phân phát lương thực cho quân đội. Đứng đầu là quan Cai bạ.
  • Lệnh sứ ti: trông coi việc tế tự, lễ Tết và phát lương cho quân lính ở Chính dinh, đứng đầu là quan Nha úy.

Dưới mỗi ty lại có quan Cai hợp, Thủ hợp và các Lại ty giúp điều hành mọi việc.

Ngoài Chính dinh thì tùy theo tầm quan trọng của các dinh mà phân bổ số lượng quan viên, ví dụ có những dinh chỉ đặt một ty là Lệnh sứ ti nhưng trông coi công việc của cả hai ty còn lại.

Các cấp hành chính ở dưới dinh bao gồm: phủ, huyện được trông coi bởi Tri phủ, Tri huyện và các quan dưới quyền như Đề lại, Thông lại, Huấn đạo, Lễ sinh...

Đến thời chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan đặt thêm các chức Nội tả, Ngoại tả, Nội hữu, Ngoại hữu, gọi là tứ trụ triều đình để giúp chúa trông coi việc nước.

Tổ chức quân đội

Võ sĩ Đàng Trong thế kỷ 17 trong tranh cuộn Trà ốc tân lục Giao Chỉ độ hàng đồ quyển 朱印船交趾渡航図巻

Do nhu cầu sống còn về việc phải chống trả các cuộc tấn công từ Đàng Ngoài của chúa Trịnh với lực lượng đông đảo hơn, chúa Nguyễn quan tâm xây dựng quân đội mạnh ngay từ thời gian đầu cát cứ tại đây.

Việc quân dịch được chia làm hai loại: những trai tráng khỏe mạnh được sung thẳng vào quân ngũ, số còn lại là quân trừ bị được gọi dần dần tùy từng đợt tuyển quân. Quân lính được chia làm 5 cơ: Trung, Tả, Hữu, Hậu và Tiền. Quân số Đàng Trong vào khoảng độ 30.000 người, và theo sự khảo cứu của các sử gia Pháp thì quân số của các đơn vị trong quân đội Đàng Trong thường không ổn định, tăng giảm không nhất quán, khi có chiến trận thì tăng quân, khi hòa bình thì lại giảm bớt.

Quân đội chúa Nguyễn được chia làm ba loại: quân túc vệ ở kinh thành Phú Xuân, quân chính quy thường trực tại các dinh và thổ binh tại các địa phương.

  • Quân túc vệ hay thân quân gồm có 2 vệ: Tả tiệp và Hữu tiệp, mỗi vệ 50 người, có nhiệm vụ bảo vệ kinh thành và hộ vệ chúa Nguyễn. Năm 1744, Nguyễn Phúc Khoát xưng vương mới đổi gọi là Vũ lâm quân. Thành phần quân túc vệ là những người thân cận, đáng tin cậy như con cháu các võ quan, hoặc người cùng quê huyện Tống Sơn với chúa Nguyễn[2][3].
  • Quân chính quy đóng tại các dinh, được phiên chế theo thứ tự: dinh, cơ, đội và thuyền. Đứng đầu dinh là Chưởng dinh, đứng đầu cơ là Chưởng cơ và Cai cơ; đứng đầu các đội có Cai đội và đội trưởng. Những chức vụ quan trọng ở cấp dinh trở xuống được tuyển chọn từ người trong họ hàng có bản quán ở Thanh Hóa, người nơi khác không được làm. Tuy nhiên, biên chế quân Nguyễn không thống nhất. Dưới Dinh là Cơ, dưới Cơ có thể là nhiều thuyền hoặc nhiều đội và số lượng cũng không thống nhất. Số lính ở mỗi cơ cũng không đều nhau, có thể là 260, 300, 500 thậm chí 2700 người[4].
  • Thổ binh, còn gọi là Tạm binh, là lực lượng quân đội địa phương, số lượng rất lớn. Do chính binh phải bảo vệ Phú Xuân để phòng quân Trịnh, thổ binh thường có trách nhiệm canh giữ những vùng đất mới và trấn áp những sự chống đối của Chiêm ThànhChân Lạp. Lực lượng này không được trả lương như quân túc vệ hay chính binh mà chỉ được miễn sưu thuế vì hoạt động chủ yếu là tuần tra, canh gác, lao động…

Về binh chủng, quân Đàng Trong cũng khá giống với Đàng Ngoài, gồm có bộ binh, thủy binh, pháo binh và thêm tượng binh. Thủy binh Đàng Trong khá mạnh, mỗi thuyền có khoảng 30 chèo, có 3 khẩu đại bác ở mũi và 2 khẩu ở đuôi. Trong cuộc chiến với chúa Trịnh, chúa Nguyễn đã tranh thủ mua vũ khí phương Tây và học cách đóng tàu thuyền, đúc súng của họ. Tại Phú Xuân có xưởng đúc súng do người Bồ Đào Nha giúp, được mở năm 1631 và hiện nay vẫn còn di tích ở Huế[5].

Năm Tân Mùi (1631), chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên cho mở trường bắn, trường tập voi, tập ngựa và sở đúc súng đại bác (một người Pháp lai Bồ Đào Nha tên là Jean de la Croix đã giúp chúa Sãi xây dựng cơ sở này, gọi là phường Đúc, ở Thuận Hóa ngày nay).

Trong 200 năm, quân đội Đàng Trong đã lập được 2 thành tích quan trọng:

  • Trong cuộc chiến với chúa Trịnh: Lực lượng này đã tiến chiếm giữ 7 huyện ở Nghệ An trong 5 năm (16551660) và đánh lui 6 đợt tấn công của quân Trịnh trong cuộc xung đột 45 năm; dù lực lượng quân Trịnh thường ở thế đông hơn trong những lần tham chiến.
  • Cùng trong khoảng thời gian chiến tranh với quân Trịnh, quân chúa Nguyễn vẫn nhiều lần đánh bại lực lượng tàn dư của nước Chiêm Thành, mở rộng vùng cai trị của chúa Nguyễn không chỉ bó hẹp ở Thuận Hóa – Quảng Nam mà đến hết địa giới Nam Trung Bộ. Đến năm 1697, chúa Nguyễn cơ bản sáp nhập đất Chiêm vào Đại Việt, Chiêm Thành không còn tồn tại với tư cách 1 quốc gia như trước mà trở thành một phần lãnh thổ của chính quyền Đàng Trong[6]. Đây là một mốc quan trọng trong lịch sử Việt Nam.

Tuy nhiên, đến cuối thời chúa Nguyễn Phúc Khoát, do chúa bỏ bê công việc, chính sự rối ren khiến lòng dân chán nản. Quân đội của chúa Nguyễn cũng theo đó mà sút kém theo, cuối cùng bị nhà Tây Sơn đánh bại.

Việc thi cử

Việc tuyển dụng quan lại ở kinh đô và các dinh được thực hiện bằng khoa cử, ngoại trừ một số trường hợp đã từ Bắc vào Nam theo chúa Nguyễn Hoàng vào năm 1558 và năm 1600. Từ năm 1632, chúa Sãi bắt đầu cho mở khoa thi để lấy người vào các chức vụ Tri phủ, Huấn đạo, Lễ sinh. Năm Đinh Hợi (1647), chúa Nguyễn Phúc Tần cho lập ra hai bậc thi: thi Chính đồ và thi Hoa văn. Chương trình thi Chính đồ gồm có ba kỳ: kỳ thứ nhất thi tứ lục, kỳ thứ hai thi thơ phú và kỳ thứ ba thi văn sách. Hội đồng giám khảo có quan Tri phủ, Tri huyện làm sơ khảo, quan Cai bạ, Ký lục, Vệ úy làm Giám khảo. Khóa sinh trúng tuyển được chia theo ba hạng: đứng nhất là Giám sinh, được bổ nhiệm làm Tri phủ, Tri huyện, đứng thứ nhì là Sinh đồ được bổ nhiệm làm Huấn đạo, và đứng hạng ba cũng được gọi là Sinh đồ nhưng được bổ nhiệm làm Lễ sinh hoặc Nhiêu học. Kỳ Thi Hoa văn cũng trải qua ba ngày, mỗi ngày khóa sinh phải làm một bài thơ, những khóa sinh thi đậu được bổ nhiệm làm việc trong Tam ty (phủ chúa).

Năm 1675, đời chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần, chúa cho mở thêm một kỳ vấn đáp thay vì chỉ có thi viết như truyền thống. Trong kỳ thi vấn đáp này, các khóa sinh được hỏi về nhiệm vụ của quân nhân và công dân đối với thời cuộc và chính quyền cùng với quan niệm của họ đối với vua Lê và chúa Trịnh.

Bên cạnh những kì thi vấn đáp như trên, những khoa thi viết truyền thống được tổ chức 6 năm một lần tại các tỉnh vào dịp đầu Xuân. Những thí sinh thi đỗ được miễn các loại tạp dịch cho tới kỳ đại khảo sau. Qua được kỳ thi ở các tỉnh, khóa sinh được dự kỳ thi bậc cao hơn tổ chức vào mùa Thu.

Năm Ất Hợi (1695), chúa Nguyễn Phúc Chu mở khoa thi tại phủ chúa gọi là thi Văn chức và thi Tam ty.

Năm Canh Thân (1740), thời Vũ vương Nguyễn Phúc Khoát, quyền lợi của khóa sinh được quy định như sau: những người đậu kỳ đệ nhất gọi là Nhiêu học được miễn sai dịch 5 năm, đậu kỳ đệ nhị và đệ tam được miễn sai dịch vĩnh viễn, ai đậu kỳ đệ tứ thì được gọi là Hương cống và được bổ nhiệm làm Tri phủ, Tri huyện.

Xem xét chương trình thi cử của Đàng Trong thời bấy giờ, ta nhận thấy việc thi cử khá sơ lược nếu so sánh với các triều đại trước đó (triều TrầnHậu Lê). Điều này xuất phát từ việc chính quyền của các chúa Nguyễn mới chỉ tập trung lo việc chiến tranh và quân bị nhằm so kè với Đàng Ngoài, nhân dân cũng bị ảnh hưởng và lôi cuốn vào vòng chiến sự dai dẳng, dẫn tới việc hơn một thế kỷ trôi qua mà việc văn học, khoa cử không đạt được nhiều tiến bộ.

Về tôn giáo

Việt Nam nói chung và Đàng Trong nói riêng đến thế kỷ XVII tồn tại 3 tôn giáo chính: Phật giáo, Nho giáoĐạo giáo, trong đó Nho giáoPhật giáo giữ vai trò quan trọng nhất.

Xét về Nho giáo, nó có vị trí quan trọng đối với các triều đại phong kiến. Nho giáo với thuyết hình nhi thượng học (quan niệm về Thiên đạo, Nhân đạo và Luận lý học) và hình nhi hạ học (Quân tử, Tiểu nhân, Hiếu, Lễ Nhạc, Chính trị, Học vấn) được các nhà Nho triển khai qua nhiều thời luôn dùng “văn chương để lấy kẻ sĩ”, triều đình tổ chức lối học khoa cử theo Nho giáo.

Bên cạnh đó, Phật giáo xứ Đàng Trong cũng rất phát triển. Chùa chiền được các chúa Nguyễn chăm lo xây dựng, trùng tu. Nhiều Tăng sĩ Trung Hoa đến xứ Đàng Trong truyền đạo thành công như Viên Cảnh, Viên Khoan, Hưng Liên, Giác Phong, Pháp Bảo, Tử Dung... Các thiền phái phát triển mạnh lúc bấy giờ là phái thiền Trúc Lâm được phục hưng trở lại với sự có mặt của thiền sư người Việt là Hương Hải, phái thiền này sau được Hương Hải truyền ra Đàng Ngoài và rất thịnh; Hai thiền phái từ Trung Hoa là phái thiền Lâm Tế do Tổ sư Nguyên Thiều và phái thiền Tào Động do Hòa thượng Thạch Liêm (Thích Đại Sán) truyền sang; Đời chúa Nguyễn Phúc Chu trở đi phát triển chi phái thiền Liễu Quán của Tổ sư Liễu Quán. Trong đó, Nguyên Thiều là người có công truyền đạo tại xứ Đàng Trong, thiền phái Lâm Tế đã ảnh hưởng lớn đến triều đình và dân chúng, Ngài được chúa Nguyễn Phúc Chu ban hiệu Hạnh Đoan thiền sư và khen ngợi rằng: Cao vút trí tuệ. Phạm hạnh vun trồng. Giới đao một lưỡi, Hoằng pháp lợi người. Quán thân vốn không. Mây từ che khắp trời tuệ chiếu cùng.

Chính vì lẽ ấy mà trong hoàng tộc chúa Nguyễn luôn giữ lễ Cư Nho mộ Thích[7] xem Phật giáoNho giáo là quốc giáo, trong giới Phật giáo lúc bấy giờ cũng có xu hướng dung hòa tam giáo (Phật, Nho, Lão) để phát triển.

Trong thời kì này các tôn giáo của phương Tây như Công giáo cũng được chấp nhận với một lượng tín đồ khá ít ỏi, nhưng đôi khi vì lý do chính trị mà bị cấm hoạt động ở Đàng Trong.

Việc thuế khóa

Về việc lập sổ thuế, định các ngạch thuế, năm 1632, Sãi vương đã áp dụng phương pháp Bắc Hà (của vua Lê Thánh Tông đặt ra năm 1465, tại thời điểm đó vẫn đang được thi hành ở miền Bắc), cụ thể là cứ mỗi sáu năm lại thực hiện một cuộc kiểm tra lớn, ba năm một cuộc kiểm tra nhỏ. Chia dân chúng ra làm 8 hạng (so với 6 hạng ở Đàng Ngoài). Thuế nộp bằng thực chất (tức là thóc gạo hay ngô khoai v.v..) hoặc bằng tiền bạc.

Để việc đánh thuế ruộng được sát với thực tế, sau vụ gặt chính (vụ mùa) sẽ có quan lại đến từng địa phương khám rồi mới định hạng ruộng nào phải nộp bao nhiêu thuế. Điền thổ được chia ra làm 3 hạng để đánh thuế, ruộng đất xấu thì thuế đánh nhẹ hơn ruộng đất thường hoặc đất tốt. Thuế hoa màu thì căn cứ vào diện tích của điền thổ và loại hoa màu (ngô khoai, đậu, v.v...) được trồng trọt, cùng với giá trị của ruộng đất. Những công điền (ruộng đất công) thì cấp cho dân cày cấy để nộp thuế, còn ai khai khẩn được đất hoang ra làm ruộng thì được phong cho tư điền (tài sản cá nhân).

Đến đời chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần (16201687), chúa cho đặt ra một Ty Khuyến nông để giải quyết vấn đề khẩn hoang và để phân hạng các đất ruộng đã cày cấy, trồng trọt.Nhiều dinh điền hay đồn điền đã có từ thế kỷ thứ XV do các vua chúa miền Bắc chiếm được của Champa nay nằm trong khu vực của các chúa Nguyễn được đem cấp phát cho các quan lại có nhiều công trạng với triều đình để sử dụng làm thực ấp.

Một số loại thuế được áp dụng:

  • Thuế đinh: Chúa Sãi chia dân chúng thành 8 hạng và đánh thuế mỗi hạng, gọi là thuế tỷ lệ nộp bằng tiền. Giá biểu phải nộp từ hai quan đến năm quan tiền. Ngoài ra còn nhiều loại thuế khác như thuế gia súc, thuế cúng giỗ, thuế chuyển vận thóc lúa...
  • Thuế mỏ và thương chính: Tại Thuận Hóa và Quảng Nam có mỏ vàng, Quảng Ngãi có mỏ bạc, Bố Chính có mỏ sắt. Việc khai khẩn các mỏ này đã đem lại cho chính quyền các chúa Nguyễn một số tiền thuế lớn.
  • Thuế nhập cảng và xuất cảng: dành cho tàu bè ngoại quốc qua lại ở các cửa biển. Ví dụ tàu ở Thượng HảiQuảng Đông tới phải nộp 3.000 quan, lúc trở ra phải nộp 1/10. Tàu ở Ma Cao (lúc này là thuộc địa của Bồ Đào Nha) và Nhật Bản nộp 4.000 quan, khi về nộp 1/10. Tàu Tiêm La (Thái Lan) hoặc Lã Tống (đảo Luzon - Philippines) phải nộp 2.000 quan. Tàu các nước Tây phương phải nộp gấp đôi tàu Ma Cao và Nhật Bản (8,000 quan và 800 quan). Số thuế này chia ra làm 10 phần, 6 phần nộp kho còn lại dành cho các quan lại và binh lính của Ty Thương chính.

Phân chia địa hạt hành chính

Thuở ban đầu khi Nguyễn Hoàng mới vào trấn thủ đất Thuận Hóa thì cho đóng dinh ở làng Ái Tử (thuộc huyện Đăng Xương, tỉnh Quảng Trị). 13 năm sau (1570) Nguyễn Hoàng lại dời dinh vào làng Trà Bát ở cùng huyện, gọi là Cát Dinh. Đến năm Bính Dần (1626), chúa Sãi là Nguyễn Phúc Nguyên, trong quá trình chuẩn bị cho việc chống đối với chúa Trịnh đã cho dời dinh vào làng Phúc An (thuộc huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế bây giờ). Năm Bính Tí (1636), chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan lại dời phủ vào làng Kim Long (thuộc thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên). Năm Đinh Mão (1687) chúa Nguyễn Phúc Thái dời phủ về làng Phú Xuân, gọi là chính dinh, Phú Xuân từ đó trở thành chính dinh của các đời chúa Nguyễn tiếp theo và là kinh đô của triều đại nhà Nguyễn sau này. Nơi phủ cũ ở làng Kim Long được dùng làm Thái tông miếu, thờ chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần.

Năm Giáp Tí (1744), Vũ vương Nguyễn Phúc Khoát chính thức xưng vương, ra lệnh đổi phủ ra làm điện, sửa sang phép tắc, định ra triều phục, chia Đàng Trong làm 12 dinh:

  1. Chính dinh (Phú Xuân).
  2. Cựu dinh (Ái Tử) - Quảng Trị.
  3. Quảng Bình dinh.
  4. Vũ Xá dinh.
  5. Bố Chính dinh.
  6. Quảng Nam dinh.
  7. Phú Yên dinh (đất chiếm của Chiêm Thành).
  8. Bình Khang dinh (đất chiếm của Chiêm Thành).
  9. Bình Thuận dinh (đất chiếm của Chiêm Thành).
  10. Trấn Biên dinh (đất chiếm của Chân Lạp).
  11. Phiên Trấn dinh (đất chiếm của Chân Lạp).
  12. Long Hồ dinh (đất chiếm của Chân Lạp).

Cai quản mỗi dinh là một võ quan mang chức Trấn thủ trông coi cả công việc hành chính lẫn quân sự. Các phụ tá có quan Cai bộ trông coi về Ngân khố và một phán quan gọi là Ký lục.